Trên tay ECM Puristika: máy pha espresso của người Đức

Lãng vân Nấm Lùn 11/04/2023

Kể từ khi tìm hiểu thông tin cho tới lúc nhận máy và sử dụng, mình thực sự rất háo hức với chiếc máy thú vị này. Puristika nó đơn giản chỉ là một máy pha espresso mà thôi, không hơn không kém. Nó nhàm chán với những người thích một chiếc máy có thể pha sữa nhưng hoàn hảo cho những ai chỉ cần một ly espresso mỗi ngày.

ECM thành lập năm 1996 bởi Wolfgang Hauck, sau nhiều năm làm việc và hợp tác với các chuyên gia cà phê của Italy. Ngoài Puristika thì ECM còn có nhiều model cao hơn, có cả cho mục đích thương mại và máy xay cà phê. Chiếc Puristika này có thể coi là thấp nhất, nhỏ nhất và cơ bản nhất trong danh mục sản phẩm của hãng: https://www.ecm.de/en/ecm/the-company.html

Puristika mình nghĩ có liên quan gì đó tới từ ‘purist’ trong tiếng Anh, tức là chủ nghĩa thuần túy. Ngay bên ngoài vỏ hộp khi mua về nhà sản xuất cũng đề một câu giới thiệu đơn giản là “It’s simply about espresso”, tức là nó đơn giản dành cho espresso mà thôi. Nó đơn giản và rất nhỏ gọn, dành cho những người thích một chiếc máy đầy đủ công nghệ nhưng nhỏ gọn hết sức có thể.

So với những máy pha cà phê cùng phân khúc với chiếc máy này mà mình biết thì Puristika nhỏ, rất nhỏ, nếu có một không gian hạn chế thì sẽ rất phù hợp. Thậm chí nhà sản xuất còn để bình chứa nước ra bên ngoài, giúp chúng ta linh hoạt hơn trong việc đặt máy và sử dụng. Bên trong Puristika cũng chỉ có một boiler (nồi đun) 0,75 lít và không có vòi đánh sữa cho mục đích pha latte, cappuccino. Máy có hai màu, chiếc mình mua là màu xám than kết hợp kim loại mạ crom, nhìn rất sang trọng và bóng bảy.

Mình chưa bao giờ thất vọng về mức độ hoàn thiện cơ khí các sản phẩm của Đức. Mình nhìn qua một vòng, soi các chi tiết nhỏ thì thấy rằng Puristika không phải là ngoại lệ. Nó là một tổng thể với hoàn thiện cực kỳ cao cấp, chắc chắn và cứng cáp. Phần đế của máy được làm từ thép hoàn thiện kiểu thô trong khi từ phần đế đó trở lên thì được mạ crom sáng bóng, giống với hầu hết những máy pha espresso. Thậm chí mặt sau của Puristika cũng mạ lớp crom bóng như gương, nhìn rất đẹp mắt. Rõ ràng nhà sản xuất muốn Puristika đẹp ở mọi góc cạnh, người dùng có thể setup máy ở mọi ví trí chứ không chỉ là đặt sát tường.

Bình chứa nước 2 lít của máy được làm từ thủy tinh dày và nối với máy thông qua hai dây dẫn bọc kim loại, thậm chí cái tamper và portafilter đi theo máy cũng chắc chắn và cao cấp nữa. Nói chung về thiết kế và hoàn thiện thì không có gì để chê. Bình chứa nước để bên ngoài như này theo tìm hiểu thì mình thấy có một vài ưu điểm như nước không bị nóng lên thường xuyên, dễ vệ sinh bên trong và có thể setup theo ý thích. Tuy nhiên khi châm nước hoặc di chuyển cũng phải cẩn thận hơn vì có thể làm đổ hoặc vỡ bình nước.

Puristika là một máy pha sử dụng grouphead E61 và 58mm rất phổ biến, ngay cả nhiều máy pha công nghiệp cũng sử dụng grouphead này nên việc độ thêm, mua các đồ chơi cho nó cũng dễ dàng. Cụm E61 này chiếm phần lớn mặt trước của máy, ngoài ra còn có một đồng hồ đo áp suất, van chỉnh áp suất và một màn hình kèm hai nút chức năng.

Đồng hồ này đo áp suất dòng nước được máy bơm rung đưa nước từ boiler ra grouphead, và chúng ta có thể dễ dàng điều chỉnh mức áp suất này thông qua van nằm ở phía đối diện. Hầu hết các máy pha espresso đều để vị trí van điều chỉnh này ở bên dưới hoặc bên trong, đại loại là một vị trí không dễ nhìn nhưng Puristika thì để ngay bên trên dù chúng ta ít sử dụng tới. Mình thì vẫn đang để mức áp suất tiêu chuẩn là 9 bar, nhưng cũng có thể điều chỉnh từ 8-12 bar tùy mục đích pha chế.

Puristika có PID, công nghệ điều chỉnh nhiệt độ boiler và grouphead. Nôm na thì PID sẽ giúp cái máy giữ một mức nhiệt ổn định trong suốt quá trình hoạt động. Ví dụ mình thiết lập nhiệt độ ở 93 độ C thì PID sẽ giữ cho nhiệt độ luôn luôn ở ngưỡng đó, bất kể sự thay đổi nào. PID rất quan trọng và đã phổ biến trên những máy pha ngày nay.

Để điều chỉnh nhiệt độ và các chế độ, chúng ta sử dụng hai nút bấm trên màn hình máy. Ngoài PID, hai nút này còn dùng để điều chỉnh chế độ Eco, nhắc vệ sinh và lựa chọn độ C hay độ F. Chế độ Eco mình đang để mặc định sau 30 phút không pha thì máy sẽ chuyển về Eco Mode để tiết kiệm điện năng. Những gì mình liệt kê nghe có vẻ phức tạp và cầu kỳ nhưng trong bộ môn espresso này thì chỉ được coi là căn bản thôi đó ????

Giá, cách thức mua

Mình tìm hiểu thì thấy giá của Puristika giao động khoảng 1500 USD, có hỏi một bên phân phối tại Việt Nam thì họ báo giá chiếc máy này 35 triệu đồng. Tuy nhiên mình đặt mua trên eBay và nhờ USAOrder.vn ship về. Đợt mua mình có lên eBay US xem thì thấy một người rao bán chiếc máy này ở trạng thái chưa sử dụng, anh ấy được tặng nhưng không dùng, giá rẻ hơn và là máy 230V nên mình mua ngay. Anh em có nhu cầu mua đồ gì ở Mỹ thì có thể nhờ USAOrder mua và ship về VN dùm nhé: https://usaorder.com.vn

0 0 votes
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments